Mặt vợt gai phản xoáy: Tất tần tật về mặt gai bóng bàn

Mặt vợt gai phản xoáy luôn song hành cùng các loại mặt vợt bóng bàn khác, đây là loại mặt vợt yêu thích của dân đánh phủi và đặc biệt, những người yêu thích phòng thủ. Mặt vợt gai vô hiệu hóa được những quả đánh xoáy nhất. Mời các bác cùng tìm hiểu về loại mặt này nhé.

Mặt vợt gai
Mặt vợt gai – Ác mộng của nhiều cao thủ đánh phủi

Mặt vợt gai

Mặt vợt bóng bàn gai là một mặt cao su với độ ma sát rất ít, hoặc không có. Hình dáng bên ngoài rất dễ nhận biết: có nhiều gai hình trụ nổi lên, chất liệu gai là cao su cứng. 99% người chơi gai thường dán: một mặt gai để thủ, một mặt ma sát thường để công.

Mặt vợt gai thường không dùng mút lót (miếng đệm giữa mặt vợt và cốt vợt). Những cao thủ đánh mặt gai dài không lót thì gần như vô đối – bóng sang cực khó và cực khó chịu cho đối thủ. Nếu đánh lót, có loại gai chuyên dụng riêng – mặt gai ngắn dùng tấn công.

VD: Khi trả bóng xoáy xuống thì: mặt gai dài có mút đệm dày sẽ tạo ra một pha bóng “chuội”, còn mặt gai dài không mút đệm tạo ra pha bóng xoáy lên.

Mặt vợt gai chủ yếu dành cho người chơi bóng bàn phong trào, gọi vui là đánh phủi 🙂 cũng có vận động viên chuyên nghiệp dùng gai nhưng trong các giải chính thống, mặt gai bị cấm. Mặt gai thường dùng đánh thủ gần bàn, nếu tấn công bằng gai cũng được nhưng rất ít. Đánh gai là đánh bằng cảm giác! Kể cả bạn và đối thủ! Rất khó xác định đường bóng từ mặt gai.

Mặt vợt gai
Mặt vợt gai

Ưu điểm mặt gai

  • Mặt gai vô hiệu hóa được gần như tất cả các loại xoáy, lốp bóng khó
  • Quả đánh phản từ mặt gai gây khó khăn cho đối thủ, thường bóng sẽ đảo và hết xoáy
  • Giật mặt gai bóng chạm bàn đi khó xác định hướng, không thể đỡ
  • Bạt bằng mặt gai khiến bóng đi sát bàn, rất lì và không nảy lên mấy

Nhược điểm mặt gai

  • Ít người chơi và ít hãng sản xuất. Mặt gai thường kết hợp cốt cứng OFF hoặc OFF+
  • Chọn được mặt phù hợp rất khó, thường trải qua rất nhiều loại rồi mới ưng.
  • Kén người chơi vô cùng – không phải ai cũng đánh được mặt gai đâu nhé
  • Đường bóng thường khó xác định cả với người đánh gai và đối thủ
  • Các giải chuyên nghiệp cấp Quốc tế đều cấm mặt gai – hạn chế rất lớn nhỉ
Mặt vợt gai Xiom
Mặt vợt gai Xiom

Mặt vợt gai phản xoáy

Mặt vợt gai phản xoáy là loại gai dài được nhiều người sử dụng, có khả năng phải mọi loại xoáy, kể cả giật loop cực sung hoặc cao thủ cắt gò bóng.

Các loại gai dài khác nhau sẽ có các hiệu ứng khác nhau. Một số loại đảo ngược xoáy nhiều, một số đảo xoáy ít, và một số thì không đảo ngược mà lại triệt tiêu xoáy hoàn toàn, tạo ra một đường bóng không xoáy – đây mới là điều mà làm đối thủ của bác bất ngờ.

Mặt vợt gai dài phản xoáy thường không lót (không dùng miếng đệm mút giữa mặt và cốt vợt), nên đánh ra bóng lực rất mạnh, bóng lỏng không xoáy bay sát mặt bàn mà không nảy lên mấy. Bóng gặp gai dài sẽ chuội lại, bay chậm lại nửa nhịp! Có người dùng mút đệm gai dài nhưng ít.

Một số mặt gai phản xoáy phổ biến như: Joola Octopus; Yasaka Phantom 0012 Infinity; 729 755 Mistery

Mặt vợt gai tấn công

Mặt gai tấn công là loại gai ngắn với độ đàn hồi cao, cấu trúc chân gai dọc, mặt gai hơi cứng, có mút lót mềm và dễ điều khiển giúp người chơi dễ dàng phối hợp các kỹ thuật bạt bóng, chụp bóng nhờ sự cân bằng giữa tốc độ và độ xoáy.

Quỹ đạo bóng của gai ngắn bay bổng và sắc nét, trả bóng với quỹ đạo khó lường và hiệu ứng gai tốt, giúp bạn có thể thực hiện các chiến thuật linh hoạt. Dùng gai ngắn, bạn có thể giật loop tạo xoáy rất sung.

Một số mặt gai ngắn phổ biến: Butterfly Flarestorm; Frienship 802; Donic Baxster D25

Mặt vợt gai phản xoáy
Mặt vợt gai phản xoáy

Vì sao dùng mặt gai

Lý do thì muôn vàn, đôi khi bác muốn thử trải nghiệm cảm giác chơi loại mặt đặc biệt sau nhiều năm đánh mặt trơn, nhưng theo ý kiến chủ quan của em: chắc chắn lý do đầu tiên bác muốn là: Chiến thắng mọi đối thủ khó nhằn. Có thể!!! Mặt gai là lựa chọn tối ưu để đảo ngược tình thế sau nhiều năm chiến bại 🙂

Có điều, để dùng được mặt gai thuần thục cần bác phải có nhiều năm chinh chiến mặt trơn ma sát thường đã, hay ít nhiều, biết đánh bóng bàn thì mới chơi được mặt vợt gai.

Mặt gai dài và gai ngắn

Thông thường, ta phân ra làm 2 loại: mặt vợt gai dàimặt vợt gai ngắn.

Mặt vợt gai dài – Mặt vợt gai ngắn

Mặt gai dài

Mặt gai dài là mặt được làm sần với các gai chân cao. Kết quả thường là chúng đảo ngược chiều xoáy của bóng, vì thế nếu bạn đánh một quả bóng xoáy lên nặng và đối thủ chặn bằng mặt gai dài, thì bóng thường trả về là xoáy xuống, và ngược lại.

Tính năng chịu lực của vợt gai dài càng lớn thì xoáy càng mạnh, chịu lực càng nhỏ thì xoáy càng yếu hoàn toàn ngược lại với tính năng của các loại vợt phổ thông, nên nó thường gây nhiều phiên phức cho những người không thích loại vợt này.

mặt vợt gai dài

Khi bóng đến tương đối lớn hoặc xoáy lên tương đối mạnh, độ xê dịch của các gai vợt khá lớn, tốc độ bật lại cũng chậm tương ứng, trong khi đánh các hạt cao su đồng thời phục hồi hình dáng, có tác dụng đánh đối với bóng, từ đó tăng thêm được xoáy bóng. Đó chính là nguyên nhân vì sao các bác đánh tấn công với bóng cắt gai dài: Giật loop bóng càng nhanh -> thì bóng cắt từ mặt gai càng xoáy xuống.

Mặt vợt gai ngắn
Mặt vợt gai dài

Mặt gai ngắn

Mặt gai ngắn có chân gai thấp, và dẫn đến là nó có tác dụng làm giảm xoáy, mặt khác vẫn có khả năng sinh ra xoáy ở một mức độ nhất định. Nếu các mặt gai ngược thông thường tạo ra xoáy là 100% thì các loại gai ngắn sẽ tạo ra khoảng 15 đến 50%. Như vậy độ xoáy của bóng đến bị giảm đi, và độ xoáy của bóng đánh về phía đối phương cũng ít xoáy.

Mặt gai ngắn khi giao bóng tạo ra các đường bóng rất phức tạp, chạm bàn loạng quạng khó đỡ, thường làm giảm xoáy của bóng đến, và cho độ kiểm soát bóng cao. Mặt vợt “short pips” có tính đàn hồi tốt, đánh bóng chắc và tốc độ nhanh, phù hợp nhất với những cú đánh trả những quả giao bóng.

Mặt vợt gai ngắn “short pip” thực chất là loại mặt vợt thường nhưng lật ngược lại tạo nên một bề mặt với rất nhiều nốt. Khoảng trống giữa các nốt này có tác làm giảm độ xoáy của trái bóng. Điều này giúp bạn tạo ra những cú đánh trả mạnh mẽ dù trái bóng bay tới có xoáy như thế nào.

Mặt vợt gai ngắn
Mặt vợt gai ngắn Mizuno Booster

Chọn mặt gai nào

Để chọn được mặt gai phù hợp thường phải qua rất nhiều thời gian làm quen và chơi thử nghiệm. Chọn loại mặt gai khá dễ vì trên thị trường không nhiều mẫu gai lắm. Ngược lại, để dánh gai thuần thục thì cả một quá trình, tùy cá nhân nữa.

Hiện tìm mua mặt gai tại Việt Nam không khó, các bác cứ ra cửa hàng chuyên dụng cụ bóng bàn nào cũng có. Theo kinh nghiệm cá nhân, em thử gai trong 12 tháng thì thấy các bác nên chọn 1 mặt gai dài dán không dùng mút đệm. Và một mặt Ten05 chuẩn là vô đối nhất 🙂 khá dễ đánh.

Như phân tích ở trên, tùy lối đánh mà bác chọn mặt cho phù hợp

  • Người mới chơi gai và phòng thủ: Chọn mặt gai dài
  • Cao thủ chút và tấn công tốt: Nên chọn mặt gai ngắn

Mặt gai dài tốt

Joola Octopus; Yasaka Phantom 0012 Infinity; 729 755 Mistery; Friendship/729 563; Gambler Peace Keeper OX; và DHS 874

Mặt gai ngắn tốt

Joola Tango Ultra; Friendship 802-40; Globe 889-2; Butterfly Raystorm; Stiga Clippa; Double Happiness DHS 651; Andro Chaos; Hexer Pips Force và Nittaku Hammond FA.

Mặt vợt gai không mút lót
Mặt vợt gai không mút lót

Cách đối phó mặt gai

Bác thường gặp nhiều khó khăn khi đối phó với các tay vợt sử dụng mặt vợt gai hoặc Anti, vì sao vậy? Em sẽ giúp bác tìm ra phương án thích hợp để đối phó mặt vợt gai khó chịu này.

Để định hình được mặt gai đối phương sử dụng, nên thử với bóng lỏng không xoáy. Hãy phát bóng đơn giản nhất xem đối thủ sẽ trả bóng như nào rồi có hướng giải quyết những quả sau. Có thể bỏ 2 quả đầu để dò mặt, có hậu về sau đấy ạ 🙂

Cách đối phó mặt gai dài

Để đối phó mặt gai trước hết các bác cần kinh nghiệm từ bản thân, tất nhiên là đoạn viết này không dành cho tay mới. Nếu mới tập chơi bóng bàn, không nên xem tiếp vì gặp gai bác thua chắc rồi.

Nếu đã thuần thục và chút ít kinh nghiệm chơi bóng bàn:

  • Đánh gò bóng nhẹ, không nên xoáy nặng quá vì bóng mặt gai trả lại cực khó.
  • Đánh với mặt gai dài, không nên đứng ôm bàn sát quá. Xa bàn chút dễ nhìn hướng bóng.
  • Tấn công giật loop vào góc bàn, tránh đánh trực tiếp thẳng người đối thủ chơi gai
  • Những quả gai trả lại, nên loop thẳng luôn, lực tầm trung chứ mạnh là bung bóng
  • Giao bóng xoáy vừa, thường là xoáy lên sẽ khó hơn cho ông chơi mặt gai dài
  • Tấn công và chỉ tấn công. Đánh với đối thủ mặt gai bác phòng thủ là tiêu luôn!
  • Những quả trái tay nên gò bóng trả lại cho mặt gai, đừng loop trái sẽ bung bóng
  • Nếu gai đánh bóng cao, nên bạt thẳng tay – không khuyến khích bạt nhưng nên dùng
  • Bóng ngắn gần lưới, trả lại gần lưới y hệt và tạo trụ để tấn công nhanh
  • Nếu mặt gai tấn công, kê thường bóng sẽ rúc lưới, nên nâng bóng lên chút
  • Tự tin chiến thắng – điều quan trọng nhất ở đây! Không nên sợ và nao núng khi gặp gai.

Cách đối phó mặt gai ngắn

Đối thủ chơi mặt gai ngắn là cao thủ đấy! Những người chơi bóng bàn lâu năm và khả năng kiểm soát bóng tốt họ mới chơi gai ngắn – vừa tấn công mạnh, vừa phản xoáy ác.

Đối phó với cao thủ thì ngoài việc bác cũng phải là cao thủ, thì cũng phải nhiều kinh nghiệm. Chứ tay mơ mà gặp gai ngắn thì nên xin hàng cho nhanh ạ.

Đối phó mặt gai ngắn khó, nhưng không phải là không thể

  • Đứng gần bàn, riêng với gai ngắn bác nên tấn công sát bàn và mạnh nhất có thể
  • Lực từ gai nắn giật rất mạnh, kê bóng nên đẩy vợt lên chút đừng giữ nguyên vợt
  • Tránh đánh bóng cao trên mặt lưới với gai ngắn, mất điểm ngay đó.
  • Nên giao bóng xoáy ngang và thật xung! Càng xung càng tốt với gai ngắn.
  • Gai ngắn bạt bóng thì vô phương cứu chữa! Tránh để họ thuận tay bạt bóng!
  • Tránh đánh bóng lỏng, nên xoáy xuống và xung chút. Dù gai đỡ xoáy tốt và vô hiệu hóa xoáy, nhưng cơ bản bác nên xoáy xuống để tránh họ bạt hoặc loop gần bàn.
  • Đẩy bóng luôn lưng chừng phía cuối bàn, mép bàn. Tránh bóng gần lưới.
  • Nếu bóng gần lưới, trả lại bóng lỏng + nhẹ gần lưới bác sẽ được họ trà dài cho giật
  • Đỡ giật của gai ngắn không khó, nâng nhẹ bóng và cắt gò nhẹ cũng được
  • Với gai ngắn, tuyệt đối không được lùi xa bàn. Bác lùi ra xa thì không đỡ được đâu.
  • Giật phải chết chứ đừng để họ giật lại được, gai ngắn tăng xoáy lên gấp đôi đấy.
  • Như trên, đánh với mặt gai bác phải tự tin chiến thắng – điều vô cùng quan trọng.
Cách đối phó mặt vợt gai
Cách đối phó mặt vợt gai

Đối phó gai không mút đệm

Mặt gai không mút đệm thì có thể là gai ngắn hoặc gai dài, tùy cao thủ sử dụng. Gai không mút bóng rất căng và lỏng, thường các bác lớn tuổi hay dùng vì kết thúc trận đấu nhanh – với tay mơ thôi 🙂

Cách đối phó gai không mút đệm cũng như 2 cách trên thôi, xin lưu ý điểm khác của gai không mút đệm sau, để các bác tránh mắc sai lầm:

  • Không mút đệm bạt bóng rất mạnh và lỏng, bóng đi căng sát mặt bàn, không nảy lên
  • Vô hiệu hóa được tất cả các loại cắt xoáy, các kiểu giao bóng vì chỉ cần khều nhẹ sang
  • Họ đỡ thuận tay bằng mặt gai rất tốt, bác nên đưa bóng sang trái tay của họ
  • Bóng gai không mút rất lỏng, thay vì giật dễ bung bóng, bác có thể bạt thẳng tay
  • Bị gai không mút chặn, đừng gò bóng lại – sẽ bung bóng lên để họ tấn công
  • Gai không mút gò bóng lỏng, bác giật loop thoải mái nhé, lực vừa phải thôi là được.

Trên là một số thông tin và kinh nghiệm em thu lượm được qua vài năm chơi bóng bàn. Xưa còn bé thì chơi chuyên nghiệp, cũng bỏ hơn chục năm rồi mới quay lại chơi từ vài năm trước, chia sẻ cùng các bác chút kiến thức mọn.

Chúc các bác luôn cửa trên và ăn độ với đối thủ đánh mặt vợt gai

Comments28

Add your comment

Miễn phí vận chuyển

Khu vực thành phố Hà Nội và các vùng lân cận, có COD

Đổi trả trong 3 ngày

Nhận lại hàng do lỗi của nhà sản xuất, đổi trả sau 3 ngày

Giao hàng trong 24h

Giao hàng nhanh trong vòng 24h, vận chuyển toàn quốc